ĐÓN XUÂN MỚI 2009
DANH MỤC
Tin nhắn
Bình chọn
Bình chọn
Total of answers: 13
Main » 2009 » January » 11 » SUY NGHĨ VỀ CON NGƯỜI ĐÀ LẠT
SUY NGHĨ VỀ CON NGƯỜI ĐÀ LẠT
7:27 AM

Đà Lạt, thành phố của bốn mùa hoa nở, nó không chỉ có sức hút về khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, về rừng thông xanh ngát, về nhiều cảnh quan đặc sắc và lối kiến trúc độc đáo mà còn gây một ấn tượng khá sâu sắc đối với khách du lịch về con người Đà Lạt, về nét đặc thù trong phong cách của người Đà Lạt.

Chúng ta đều biết rằng con người từng là đối tượng phong phú nhất của hầu hết các khoa học hiện đại. Bản chất của con người là tổng hòa tất cả các quan hệ xã hội. Con người là sản phẩm của xã hội, của lịch sử, đồng thời là chủ thể có ý thức sáng tạo xã hội. Do đó, mỗi chúng ta chắc hẳn đều có suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người - thiên nhiên - xã hội ở một đô thị trẻ, nhân tố nào đã tạo nên nhân cách sống của người Đà Lạt?

Quá trình cấu tạo dân cư, phát triển dân số gắn liền với quá trình xây dựng đô thị nghỉ mát cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Vì thế, ngoài số cư dân sẵn có tại chỗ là đồng bào các dân tộc, người Kinh hội tụ đến Đà Lạt là những người lao động có tay nghề giỏi, thợ hồ, thợ mộc, chẻ đá, làm đường và làm rừng, họ chịu nhiều áp bức bóc lột của thực dân phong kiến của nhiều miền của Tổ Quốc, bị chúng bắt làm phu phen, tha hương cầu thực. Những người lao động khi đến xứ sở của “Hoàng triều Cương thổ” - nơi mà đế quốc Pháp và phong kiến giành đặc quyền cho bọn thực dân, cho riêng giòng dõi hoàng tộc và bọn quan lại cao cấp của triều đình Huế - đều bị giai cấp thống trị rút và cắt góc thẻ bài chỉ. Trong thời kỳ đầu khai phá vùng đất còn hoang dã, đồi núi chập chùng, sương mù bao phủ dày đặc, thú dữ còn rình rập ở cây số 4, đồi đá Xuân An và ở khu vực ba-toa (Lò mổ)… nhân dân lao động phải đối đầu hàng ngày, hàng giờ với sự cai trị khắc nghiệt của chế độ thực dân cũ, sự hà lạm của quản đạo và phải đấu tranh với thiên nhiên nên họ đã sống tập trung, sống hợp quần theo từng cộng đồng quê hương, có ý thức dân tộc và sớm có giác ngộ giai cấp, đoàn kết, thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Lần lượt theo năm tháng, những xóm làng mang tên những danh nhân, anh hùng dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn như Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Sào Nam, Tây Hồ, Thái Phiên, Quang Trung v.v… được người Đà Lạt đặt tên cho nơi mình mới đến cư trú, với lòng tự hào, trân trọng biết bao về truyền thống của quê hương, dân tộc và cũng đương nhiên thách thức công khai với kẻ thù, một tấm lòng yêu nước sắt son, chung tình vẹn nghĩa.

Trải qua mọi biến thiên của lịch sử, tính cộng đồng dân tộc trong đời sống của người Đà Lạt được giữ vững và phát triển. Chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân ái trong nền văn hóa truyền thống được thắm đượm ở con người Đà Lạt. Mỗi người Việt Nam nói chung và người Đà Lạt nói riêng đều tự hào về nền văn hiến của dân tộc mà Nguyễn Trãi đã tổng kết trong bài Bình Ngô đại cáo.

Xét nước Đại Việt ta

Thực là nước văn hiến

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Trải triều Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt không bao giờ thiếu

Từ khi có Đảng ta lãnh đạo Cách mạng Việt Nam và tại Đà Lạt sớm có chi bộ Đảng Cộng sản từ năm 1930 được thành lập ở khách sạn Palace thì truyền thống quý báu đó của dân tộc được phát huy cao độ. Chính truyền thống văn hóa ấy là một trong những cội nguồn vững mạnh nhất duy trì và tái tạo bản lĩnh, cốt cách dân tộc trong mỗi con người Đà Lạt, tạo thành sức mạnh dân tộc đương đầu với chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, cuối cùng đã giải phóng thành phố hoa thân yêu vào ngày 30-4-1975, góp phần cùng cả nước tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, giành được độc lập tự do cho dân tộc.

Trong thực tiễn cách mạng tại Đà Lạt, con người Đà Lạt đã tiếp thu nhanh chóng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân lao động và phong trào yêu nước. Do đó, phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đã diễn ra liên tục trong suốt cả thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cũng rất hiếm ở các tỉnh, thành miền Nam Việt Nam, bằng tay không nhân dân Đà Lạt đã anh dũng chiếm Đài phát thanh, làm chủ thành phố trong suốt 72 ngày đêm, hình thành một hình thái hai chính quyền song song tồn tại trong khi Mỹ ngụy có trong tay hàng quân đoàn với hệ thống kềm kẹp và màng lưới cảnh sát, công an, mật vụ dày đặc. Từ mùa xuân 1968 trở đi nhân dân Đà Lạt đã đẩy mạnh các hoạt động vũ trang diệt ác phá kềm, đưa chất nổ đến tận giường ngủ và nơi làm việc của Mỹ ngụy, diệt nhiều tên ác ôn sừng sỏ và tấn công quân sự vào các căn cứ quan trọng của địch, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh, có lúc gây cho chúng hoang mang dao động cực độ.

Chúng ta, những người còn sống, đang sống, hưởng được hạnh phúc độc lập, tự do dân tộc, chắc hẳn không ai không khỏi xúc động về hình ảnh của nhân dân Đà Lạt, hàng trăm ngàn người Đà Lạt yêu nước đã rắc nước hoa thơm, phủ những bó hao tươi thắm nhất lên thi thể của những chiến sĩ cách mạng bị địch giết hại. Dũng cảm biết bao nhân dân Đà Lạt đã vượt qua mưa bom, bão đạn để đi biểu tìnhvà nổi dậy trong những ngày Tết Mậu Thân! Kiên trung thay cụ già “chí cốt” đã cùng bộ đội bám trụ trên đồi Đa Cát đánh lùi nhiều đợt phản kích bằng cả máy bay và bộ binh địch! Vinh quang thay em học sinh 12 tuổi ở trường Đoàn Thị Điểm đã mưu trí lừa địch để chuyển thư từ khu trung tâm thành phố đến Bộ chỉ huy tiền phương. Trong một đêm đột ấp Sào Nam bị vướng mìn Clay-mor, trước khi vĩnh biệt, em còn gởi lời thăm hỏi ông, bà, bạn bè và những người thân quen đang sống dưới sự kềm kẹp gắt gao của Mỹ ngụy giữa đô thành. Có em thiếu niên gái 14 tuổi bị địch hãm hiếp nhưng em vẫn giữ tròn khí tiết không để lộ tài liệu mật lọt vào tay kẻ thù. Diệu kỳ biết bao sức mạnh của người mẹ già giang đôi bàn tay gầy guộc đã ngăn được chiếc xe tăng lôi xác người chiến sĩ giải phóng quân! Đẹp vô cùng những người chị người em xé áo may cờ và thức suốt canh thâu đào hầm bí mật! Dù phải trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, lắm lúc phải ăn rau rừng, lá bép, phải chia nhau từng hạt muối và từng viên thuốc đắng nhưng những thanh niên trai, gái Đà Lạt vẫn lạc quan tin tưởng vào toàn thắng của dân tộc, đã vượt dốc băng ngàn, trèo đèo lội suối dưới trời khuya có sao đêm lấp lánh để tiến về thành phố, nhắm thẳng đầu thù mà xốc tới. Còn nhiều lắm nhưng sao kể xiết. Chừng đó hình ảnh của nhân dân Đà Lạt, những chiến công tập thể ở số 4, số 6, Nam Thiên, Thiên Thành, An Hòa, Bùi Thị Xuân, Xuân An, Tự Phước, Trại Mát, Trại Hầm, Đa Thiện, Thái Phiên, Sào Nam, Tây Hồ, Xuân Sơn… cùng với thành tích của phong trào sinh viên học sinh, tiểu thương chợ Đà Lạt, nông dân làm vườn… tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp, vô giá về sức mạnh vĩ đại của nhân dân và khí phách anh hùng của người Đà Lạt với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Người Đà Lạt có truyền thống lao động cần cù, lao động có kỹ thuật và có nhiều tay nghề giỏi trong lãnh vực sản xuất rau, hoa, dược liệu, tiểu thủ công mỹ nghệ và dịch vụ. Vùng chuyên canh rau đặc sản là vùng sản xuất hàng hóa, trình độ canh tác của người nông dân Đà Lạt tương đối cao về thâm canh tăng năng suất, về việc áp dụng một số biện pháp sinh học và tổ chức sản xuất - lưu thông phải chặt chẽ như quy trình công nghệ của một nền sản xuất lớn. Nhiều sản phẩm rau, hoa, dược liệu cao cấp có đáp ứng một phần nhu cầu quan trọng cho đời sống của nhân dân, cho khách du lịch và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước, nhất là ở các tỉnh miền Nam, đồng thời chiếm tỷ trọng đáng kể về xuất khẩu của thành phố Đà Lạt. Ngành tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ tuy mới được phát triển từ sau ngày giải phóng nhưng ở con người Đà Lạt đã xuất hiện nhiều tay nghề sắc sảo, tinh xảo. Họ đã sản xuất nhiều ngành hàng, mặt hàng độc đáo về thủ công mỹ nghệ như cưa lọng, tranh chạm bút lửa và gia công đan thêu… được tiêu thụ trong nội địa và ở nhiều nước trên thế giới, đáp ứng về thị hiếu và thẩm mỹ tiêu dùng của khách hàng, giải quyết việc làm cho lao động thừa sau chiến tranh và góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân thành phố. Người Đà Lạt có nhiều khả năng trong công tác dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng, họ khéo léo, sắc sảo trong nghề may mặc, giày da, sửa chữa, ăn uống, chế biến thực phẩm, bánh trái như rượu hồng, hồng ép khô, rượu dâu, mứt mận… có chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Nói đến Đà Lạt không ai trong chúng ta không nhắc tới những loại hoa quý và những nghệ nhân làm cây cảnh, trồng hoa phong lan, hoa lay dơn, hoa hồng, hoa păn-xê… Thành phố Đà Lạt là thành phố có nhiều biệt thự sang trọng, đẹp đẽ, nhiều kiểu nhiều vẻ nhưng rất hài hòa với thiên nhiên, có lối kiến trúc độc đáo, đến nay vẫn tồn tại với thời gian và không hề lạc hậu với lối kiến trúc tiên tiến của nhân loại. Giá trị này đã nói lên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những người lao động chân tay với người lao động trí óc trong quá trình cải tạo tự nhiên, xây dựng và tôn tạo thêm vẻ đẹp của thành phố du lịch.

Ngoài ra, Đà Lạt hiện nay có một lượng trí thức tương đối đông, họ rất nhiệt tình, tận tụy, say sưa nghiên cứu trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đang đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, áp dụng một số thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Một vấn đề đang được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm và tạo dấu ấn sâu sắc, gây cảm tình sâu đậm đối với phần đông khách du lịch là phong thái văn hóa của người Đà Lạt. Người Đà Lạt có nếp sống lịch thiệp, văn minh trong giao tiếp giữa người với người ở nơi công cộng. Họ có thái độ tế nhị, kín đáo, nhẹ nhàng, điềm đạm, biết chờ đợi và tôn trọng lẫn nhau trong mọi quan hệ xã hội và cả trong quan hệ trao đổi mua bán. Khách du lịch đến Đà Lạt sẽ yên tâm phông phải lo lắng nhiều trong việc trả giá mua hàng, vì người bán hàng không tỏ vẻ bất bình hoặc khó chịu, gay gắt với mọi khách hàng. Ở §À LẠT, NGƯỜI khách khó có thể tìm ra những lời văng tục của người lớn và trẻ em. Con người Đà Lạt hiền hòa, giàu lòng nhân ái, trọng lẽ phải, sống đoàn kết, thủy chung, trọn vẹn tình nghĩa, biết yêu thương nhưng cũng biết căm thù sâu sắc. Cuộc sống của họ không xô bồ, ồn ào và náo nhiệt, họ sống giản dị nhưng thanh cao. Người Đà Lạt biết chọn màu sắc và cách trang phục đẹp mà trang nhã, thanh lịch. Món ăn ở Đà Lạt không cầu kỳ như nhiều món ăn ¢U - Á, PHẦN ĐÔNG NGƯỜI §À LẠT ĐỀU CÓ THỂ CHẾ BIẾN VÀ NẦU ẮN NGON. Phong thái đi lại của họ không tất bật mà thư thái đáng yêu. Nhân dân Đà Lạt rất hiếu học, yêu thầy và mến trẻ. Có gia đình tuy còn khó khăn về kinh tế nhưng không để cho những đứa con thân yêu bị thất học. Do đó, ở Đà Lạt cứ 3 người dân có 1 người đi học, đạt tỷ lệ tiên tiến về giáo dục của một xã hội tiến bộ trong thời đại ngày nay.

Người Đà Lạt rất yêu chuộng văn học và nghệ thuật. Bất cứ một tác phẩm văn học có giá trị và nghệ thuật hay, đẹp nào người Đà Lạt cũng tìm cách xem và thưởng thức cho bằng được. Nhu cầu văn hóa và ý thức thẩm mỹ của họ khá cao. Người Đà Lạt rất trân trọng di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trong nền văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật của nước ngoài. Họ nâng niu coi trọng cái đẹp và luôn luôn có ý thức bảo vệ, xây dựng thẩm mỹ môi trường, thẩm mỹ về quản lý đô thị…

Trong những năm tháng mà đám mây đen của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào miền Nam, khi mà công thức “Đô la không có mùi” mở đường cho nhân phẩm xuống dốc, tội ác leo thang, dâm ô lan tràn và văn hóa lai căng, đồi trụy, phản động dọn đường cho sự hòa nhập vào chế độ thực dân mới. Nhưng ở thành phố Đà Lạt, ngoài ảnh hưởng văn hóa Pháp trong một số người thì ảnh hưởng của văn hóa và lối sống Mỹ không nhiều so với những thành phố khác ở miền Nam Việt Nam. Có người nói Việt Nam đã chống Mỹ bằng cả bốn ngàn năm văn hóa của mình. Dưới bom đạn Mỹ, Việt Nam cất giấu các bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội và các tượng Phật ở chùa Tây Phương, nhưng vẫn bảo vệ rừng nguyên sinh Cúc Phương và mở thêm nhiều trường học. Và Việt Nam bắn vào B.52 của Mỹ, nhưng vẫn dịch tập thơ Lá cỏ của Walt Whitman và biết ơn ngọn đuốc sống Morison.

Ở thành phố hoa này, người Đà Lạt cũng đã chống Mỹ bằng việc phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, bằng dòng thơ ca cách mạng, bằng tư tưởng, lối sống Việt Nam và phong cách Đà Lạt.

Cái đẹp mà con người Đà Lạt đã quan niệm được không phải là cái đẹp lý tưởng ở thời cổ đại về một con người vạm vỡ, có sức khỏe hoàn mỹ trong xã hội nô lệ. Cũng không là sự hy sinh cái đẹp của thân xác cho tinh thần, coi cái đẹp của thể xác phụ thuộc vào tinh thần. Đó không phải là những con người “khổng lồ về tư tưởng, say mê về tính cách và sâu sắc về sự hiểu biết” của các nhà nhân đạo thời kỳ Phục hưng. Càng xa lạ với quan điểm thừa nhận cái đẹp của con người đồng tình với súc vật, đề cao thái quá các khả năng, các bản năng tính dục, nhu cầu tự nhiên của con người trong việc hình thành những giá trị thẩm mỹ.

Cái đẹp mà người Đà Lạt đã và đang hướng tới là cái đẹp của con người làm chủ tập thể, yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải và nhận thức được chân lý.

Mùa xuân lại đến trên thành phố du lịch thân yêu này, màu hoa anh đào đã tươi cười trên đường phố và con chim câu đang chấp cánh trong ánh bình minh rực rỡ, huy hoàng. Con người Đà Lạt, phong cách Đà Lạt sẽ là nguồn thơ ca vô tận reo lên với gió ngàn thông, sáng rực lên như dòng thủy điện Đa Nhim và chất mát lịm của dòng Cam Ly. Chắc chắn họ đã là mạch sống cho đời, cho hôm nay và cho mai sau của trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng này của cả nước.

Đà Lạt, mùa xuân năm 1986

Views: 522 | Added by: clb3v | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 2
2 anhlun3V  
0
dung la thu minh dang can, xet ve tour Da Lat ma noi thi anhlun dang thieu tram trong thong tin...thanks admin!!! cool

1 Angela  
0
Hay quá, em đang cần tài liệu này, cám ơn admin nha.
Entry xúc tích, ngắn gọn nhưng rất đầy đủ cool

Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Lịch đăng bài
«  January 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
Tìm kiếm
Trang Ucoz
Số liệu thống kê

Trang web được thiết kế bởi CLB HDV 3V © 2024
Create a free website with uCoz