ĐÓN XUÂN MỚI 2009
DANH MỤC
Tin nhắn
Bình chọn
Bình chọn
Total of answers: 13
Main » 2009 » January » 11 » KHI ĐÀ LẠT "NÓNG"
KHI ĐÀ LẠT "NÓNG"
7:17 AM

Càng ngày, khi dạo quanh phố phường Đà Lạt - xứ sở được ví như cái máy điều hoà khổng lồ - càng nhận ra sự thay đổi kinh hoàng về nhiệt độ đang diễn ra trên đô thị này.

Trước hết là hình ảnh những vải vóc trên cơ thể người Đà Lạt từ đến già trẻ (và dĩ nhiên của cả du khách) đều không còn dày cộm như trước kia. “Vũ khí” chống lạnh truyền thống - áo len, cũng ít thấy dần; thậm chí nhiều cô gái phố núi áo quần ngày càng “thoả mái” hơn, nhiều khi cảm giác họ cũng cố mỏng, cố ngắn cho bằng người phố thị dưới đồng bằng.

Hỏi bất kỳ một người Đà Lạt nào, cho dù trẻ con mới biết nói, độ từ 9 giờ sáng trở đi, cũng đều nhận được câu trả lời “ nóng quá !”.

Chị Hai Mai, một người hàng ngày đứng giữa trời bên hồ Xuân Hương bán xắp xắp nói phụ nữ Đà Lạt bây giờ hễ đi ra đường là sợ nắng, sợ nám, phải “ phòng thủ” bằng chiếc khẩu trang rõ to, kể cả mấy cô học trò. “Hãy nhìn mà coi, đôi má hồng đào của phụ nữ Đà Lạt giờ cũng hiếm như châu ngọc vậy".

Cụ Phạm Văn Út, 63 tuổi, ở ấp Chi Lăng, sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt nói mới ngày nào (khoảng trước những năm 1990) sáng ra đến 8 giờ sương vẫn còn thấy giăng khắp các lũng đồi. Chiều lại độ 14 giờ trở đi sương giăng đã xuất hiện trở lại. Lúc ấy, có những thời điểm người đi trên đường cách nhau 5m không nhận ra nhau, bởi làn sương luôn che phủ tầm nhìn. Nhưng bây giờ cụ có thể ngồi câu cá từ sáng tới chiều mà chả cần chiếc áo gió chống lạnh. “Ngày đó, thanh niên trai tráng cũng chả ai dám tắm nước lạnh, nay cứ độ trưa lại là thấy lũ con cháu ung dung xối nước lạnh lên người ”.

Còn chị Hà Thị Thu, đã trải qua 50 nămở Đà Lạt, kể lại là quá mười năm trước, ở Đà Lạt, sương buổi sáng dày đến mức đóng tuyết nhẹ li ti trên các trái dâu tây ở vườn ấp Hà Đông của chị, tựa đá lạnh người ta bào rồi rắc lên ly sinh tố.

Một sự biến đổi khủng khiếp đã làm thay dần cái sắc thái “ôn đới” (hay gọi chính xác hơn là nhiệt đới núi cao) đặc trưng của Đà Lạt, đến mức nhiều người cao niên ở Đà Lạt phải buông lời rằng: “không còn nhận ra Đà Lạt nữa".

Chị Phan Thị Nở (45 tuổi, người khu Trại Hầm, sinh trưởng ở Đà Lạt) nói: đáng sợ hơn, không chỉ là khí hậu ngày một nóng, mà là ngày càng khắc nghiệt, gai góc, khó chịu. Những năm gần đây chả hiểu sao phố núi hễ khi nóng thì cũng nóng quay quắt, cháy da, còn lạnh thì lạnh đến tê tái, khủng khiếp, khác thường.

Ông Hai Phúc ở khu Cô Giang cũng cảm nhận “đến sinh thái vườn tược cũng thay đổi dần đặc trưng vốn có của nó, và sâu bệnh lạ bỗng dưng xuất hiện nhiều hơn những mùa vụ gần đây. Loại cây ngo (tức thông), vốn dĩ mọi năm cứ dịp sau Noel là đã tuôn đầy đọt non, nhưng năm nay đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 mới ra đọt, mà lại còn ra không tuôn trào như xưa, chỉ lỏi chỏi, lẻ tẻ.

Ông Hai Phúc còn cho biết, các thứ cây chịu nóng miền đồng bằng dưới kia như đu đủ, mít, mía, phượng hồng… không thể trồng ở Đà Lạt thì giờ đã thấy xuất hiện nhan nhản, vẫn trổ bông, đơm trái.

Ví như vườn nhà ông, trước đây những cây cam, bưởi trồng được thì cũng chỉ làm kiểng chơi, vì trái chín rất chua, do khí hậu lạnh, nay bỗng dưng ngọt lựng. Ngay cả loài hoa đặc trưng của cao nguyên Langbian là Mai Anh Đào ngày trước cứ Tết Dương lịch là thấy trổ đều khắp phố phường, thì giờ mỗi năm trổ mỗi khác, không theo qui luật chu kỳ nào cả, không ai còn đoán định cụ thể được thời điểm nó trổ hoa. “ Và màu hoa nó cũng dễ nhận ra là ngày càng ít thắm hơn, nhạt đi, bên cạnh sự trổ không đều bông”, chị Nở ở khu Trại Hầm cho biết thêm.

người xứ lạnh giờ đây mua thứ quạt điện làm mát cũng dễ như mua những gói mì ăn liền, và trong các nhà dân, khách sạn, công sở... quạt điện được lắp đặt ngày một nhiều hơn.

Anh bạn nhiếp ảnh gia chuyên dựa vào khí hậu, mưa nắng, cỏ cây Đà Lạt để sáng tác ảnh của tôi là MPK, gần đây những lúc ngồi với nhau giữa trời Đà Lạt hay bày tỏ: “tự dưng nhớ sương Đà Lạt quá!”.

Sự "phúc đáp" từ thiên nhiên

Đa phần người Đà Lạt đều nhận thức được sự đổi thay về khí hậu này là sự phúc đáp từ thiên nhiên trước tình trạng “những cánh rừng biệt xứ”. Khách sạn đang ngày càng nuốt chửng những cánh rừng mà suốt 115 năm qua chính nó tạo ra thứ tài sản lớn nhất của Đà Lạt: khí hậu ôn hoà.

Không giữ rừng, mà lại đang cố phân lô bán đất, lấn cho nhanh nhà cửa vào núi đồi, rồi lại quyết liệt mở đường cao tốc lên Đà Lạt, đó là những hành động đồng nghĩa với việc làm cho Đà Lạt ngày càng mất đi nét quyến rũ đặc thù của mình.

Vì thế, khi nghe người ta định “tóm cổ” hai vùng rừng nguyên vẹn lớn nhất còn lại ở Đà Lạt là Dankia - Suối Vàng và Tuyền Lâm để xây lên thêm hai đô thị lớn mới trên cao nguyên Langbian, có khối người đã lo lắng rằng sự tồi tệ của thời tiết, khí hậu ở Đà Lạt sẽ không chỉ dừng lại như những gì đang diễn ra ở tháng 3 năm 2007 này.

 

Views: 414 | Added by: clb3v | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Lịch đăng bài
«  January 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
Tìm kiếm
Trang Ucoz
Số liệu thống kê

Trang web được thiết kế bởi CLB HDV 3V © 2024
Create a free website with uCoz