ĐÓN XUÂN MỚI 2009
DANH MỤC
Tin nhắn
Bình chọn
Bình chọn
Total of answers: 13
Main » 2008 » December » 12 » NGƯỜI KHÙNG THỨ 2: MPK (Michael Phước khùng)
NGƯỜI KHÙNG THỨ 2: MPK (Michael Phước khùng)
8:12 PM


Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK tên thật là Nguyễn Văn Phước. MPK  là viết tắt tên thánh Michael và biệt danh "Phước khùng" mà người dân Đà Lạt yêu mến gắn cho cái "gã" chụp ảnh không giống ai của thành phố mình. Cái "gã" say mê tột độ sự sáng tạo, tìm tòi đến tận cùng vẻ kỳ diệu của thiên nhiên, và đã làm việc như điên trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

    Từ bộ đồ nghề là cái máy ảnh với thân máy Ricoh cũ, ống kính Pentakon cũ với "tele" là những ống kim loại đặt thợ rèn làm lấy, và cách sử dụng khác người của anh (tiện bớt ống kính rồi lắp ngược, tự chế "khẩu nối"…), rất nhiều bộ ảnh độc đáo được ra đời mang dấu ấn riêng biệt của MPK. Hơn hai mươi năm sống với nhiếp ảnh và trên mười năm làm nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, anh đã có hàng chục triển lãm cá nhân, nhóm tập trung vào những chủ đề thiên nhiên yêu thích: Hoa, mưa, trăng, sương, ánh nắng… mà mỗi lần ra mắt đều đem đến cho công chúng yêu ảnh sự ngạc nhiên đến thú vị.

    "Sinh ra ở xứ này nên phải "nở" được những bông hoa đẹp cho mảnh đất này", trong cuộc đời cầm máy, gần như MPK dành trọn tinh thần và sức lực để yêu và khám phá sự huyền diệu cả thiên nhiên thành phố ngàn hoa. Từ vẻ sang trọng, đài các đến nét bình dị, bé nhỏ đời thường, sự đỏng đảnh đổi thay của bốn mùa… đều có sức cuốn hút người nghệ sĩ mải miết đi tìm. Đến nỗi, người ta hình dung MPK như một "đặc sản" của Đà Lạt. Dường như MPK sinh ra chỉ để dành là người con của phố núi Đà Lạt, và chỉ có mảnh đất còn nét trong trẻo, tinh khôi như Đà Lạt mới có thể sinh ra cái "gã" MPK.

    MPK không còn trẻ, rồi thời gian sẽ trôi, mái tóc ngày càng bạc, nhưng trong ấn tượng của mọi người, MPK vẫn là chàng lãng tử độc nhất vô nhị của lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật.

Nếu chọn lãng tử "số 1" hiện nay ở VN, tôi chọn MPK - một kẻ "vô sản" đúng nghĩa (không tài sản, xe cộ, nhà cửa, chỉ duy nhất có chiếc máy ảnh và... chiếc balô để đựng cái máy ảnh là trọn quyền sở hữu...).


MPK - một "đứa trẻ" nhiều tuổi

Nhiều người đùa rằng: MPK cũng là một "cảnh quan" của Đà Lạt. Hình ảnh anh chàng 49 tuổi tóc dài như đàn bà, da ngăm đen với chiếc balô cố hữu trên vai, và cứ thế... đi bộ đến "quên" tuổi xuân, chẳng biết tự bao giờ trở thành một thứ "tín hiệu" của Đà Lạt.

Một thực tế mà chỉ có ai chịu khó lưu tâm đến những yếu tố nhân văn của đô thị miền thượng này mới biết là người dân lo MPK "xuống cấp" còn hơn cả những thắng cảnh du lịch nơi đây.

Chưa bao giờ nhận được một giải thưởng nhiếp ảnh nào, nhưng MPK vẫn cứ thành danh.

Các quan chức chính quyền sở tại bây giờ muốn in thiệp xuân thì cứ phải bằng ảnh MPK cho được. Triển lãm ảnh thì phải xin phép, nhưng với MPK thì vô hình có một qui chế ngoại lệ: tự do hồn nhiên mà mang ảnh lên rừng, ra phố mà treo. Không hề có được một "chút" FIAP nào, nhưng lịch sử nhiếp ảnh Đà Lạt đến giờ chỉ MPK mới dám triển lãm riêng, và liên tục triển lãm, cứ hứng lên là triển lãm.

Chẳng hiểu sao mỗi tháng ngày trôi qua người ta như thể cứ chờ MPK tung ra những bộ ảnh mới để đưa nhau đi ngắm nhìn. MPK cũng là kẻ cầm máy duy nhất của Đà Lạt dám mang ảnh ra tận thủ đô (Hà Nội) và xuôi về đô thị lớn hội tụ toàn những cây đa cây đề của nghệ thuật nhiếp ảnh xứ Sài Gòn mà triển lãm.


Một người, một ba lô, một máy ảnh...

Cứ thế, không ăn lương của Nhà nước, không sử dụng một đồng bạc thuế nào của nhân dân Đà Lạt để mua phim, rửa ảnh..., nhưng MPK đã mang hình ảnh Đà Lạt đi khắp nơi để ca tụng vẻ huyền diệu của xứ sở xinh đẹp này.

Chẳng mang triết lý cao siêu, chủ đề to tát, ảnh của MPK chỉ là chuyện kể về sương, gió, nắng, mưa, mây trời, hoa lá, cỏ cây, củ quả..., nghĩa là những gì thuộc về tự nhiên, của trời đất, của quê nhà Đà Lạt. Anh đi gom nhặt những giá trị bình thường của tự nhiên rơi vãi để tôn vinh. Những vẻ đẹp tinh túy được anh chưng cất, không vướng bận hận thù, tranh chấp, đối kháng, hay rên siết trước nghèo khổ, cơ hàn, đói rét... như thường thấy trong những tác phẩm đoạt giải.

Mỗi lần xem ảnh của MPK, thấy thế gian nhẹ nhàng, cuộc sống đáng yêu, nhân hậu. Và như thế mới hiểu vì sao ở Đà Lạt người ta coi MPK là "một đứa trẻ nhiều tuổi".

Có người cho rằng tội quái gì cứ phải đi "quảng bá" không công cho Đà Lạt, thành phố này cả 170.000 dân, mấy ai nghĩ đến điều đó! MPK không trả lời, chỉ tự mình biết rằng: ta không thể sống thiếu nó.

Hằng ngày lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Đà Lạt, tối về MPK tá túc trong một căn phòng thừa phía sau một khách sạn, rộng dăm mét vuông với tấm nệm hoen cũ dưới sàn. Căn phòng ẩm thấp, mốc lên, ngập đầy phim, ảnh, tranh vẽ, đĩa nhạc, sách, cùng rác các loại...

Nghe đâu ba má anh khi chia đất đai cho bầy con cái (tám đứa) đã quên bặt anh, đứa con út, vì anh lang thang đâu đó không có mặt. Không gặp cha mẹ để hỏi, đòi phần, anh nói "ông anh bố trí chỗ này cũng ổn rồi!". Dân Đà Lạt gọi chết cái tên Phước "khùng"(tên cha mẹ đặt là Nguyễn Văn Phước). "Ờ thì khùng, chẳng sao!". Thế là anh lấy luôn cái tên MPK = Michel (tên thánh của anh) Phước khùng để "chơi" nghệ thuật.

MPK trói mình vào thiên nhiên như một định mệnh. Người ta không thể tưởng tượng rằng gã đàn ông điển trai Đà Lạt, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa bậc nhất của cao nguyên hiện nay lại bước vào thế giới ảnh từ nỗi cô đơn khủng khiếp của một tuổi thơ hoang đàng.

15 tuổi, anh chàng đã biết nhảy đầm, chơi bạch phiến và ném mình vào thư viện công cộng để đọc duy nhất một loại sách về vật lý và vũ trụ. Rồi không lâu sau đó đã trở thành "hippi" chuyên nghiệp, "gia nhập" lối sống Mỹ phổ biến ở các đô thị miền Nam trước 1975. Sau 1975, anh trở thành kẻ đi bỏ lẻ ma túy cho những tay anh chị để kiếm "lại quả" bằng ma túy mà "chơi", dám giắt cả thuốc nổ vào người và có thể cho nổ tung bất cứ lúc nào. MPK đã từng bị bỏ tù mấy năm.

Ở tù, MPK mới thấy mình rơi xuống vực thẳm. Ngay khi ra tù anh tìm đến thế giới nhiếp ảnh như một cứu cánh. Anh sắm chiếc máy ảnh đầu tiên từ những đồng bạc gom góp được khi hành nghề bốc vác ở các bãi rau, kho lương thực trên địa bàn Đà Lạt. Không cần nhiều tiền, chỉ cần đủ sống, MPK đã dành phần lớn quĩ thời gian để săn tìm những khoảnh khắc của thiên nhiên Đà Lạt, và anh chính thức đánh dấu "đời nghệ sĩ" của mình kể từ năm 1982. Những tấm ảnh đã giải phóng anh thành kẻ lương thiện và thánh thiện.

Nghệ thuật đã đi vào MPK theo ngả trái tim. Không có người dạy, tất cả là mò mẫm nhưng anh đã biết lập ra những phòng tối theo kiểu của mình, nghĩ ra những kỹ thuật mà chưa ai nghĩ ra, không có tên, nên từ đó anh tạo ra khá nhiều tấm ảnh lạ lùng, có tấm ảnh mà như tranh.

Thế mới biết không niềm đam mê nào trên đời này giống nhau. Có người say đắm quyền lực, có người mê làm giàu, lại có người chỉ mong được thỏa thích tìm đến thiên nhiên, tôn vinh mây trời như cái anh chàng MPK.

Hằng ngày tôi thấy MPK vẫn ngồi đấy, nơi góc hẹp của quán cà phê Tùng có tuổi đời hơn cả tuổi anh ngay giữa trung tâm thành phố cao nguyên sau những phiên rong ruổi với trời đất, uống một thứ duy nhất là cà phê đen, để nghĩ về gió núi mây ngàn, về sự mầu nhiệm của cây cỏ. Đó là "văn phòng" liên lạc của MPK.

Đố ai đoán được đời của MPK về đâu!

danong.com

Views: 730 | Added by: clb3v | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Lịch đăng bài
«  December 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031
Tìm kiếm
Trang Ucoz
Số liệu thống kê

Trang web được thiết kế bởi CLB HDV 3V © 2024
Create a free website with uCoz