ĐÓN XUÂN MỚI 2009
DANH MỤC
Catalog categories
CLB HDV 3V [12]
Tin nhắn
Bình chọn
Bình chọn
Total of answers: 13
Main » Files » NHÂN VẬT NỔI TIẾNG » CLB HDV 3V

HÀN MẶC TỬ - KỲ 8 !
[ ] 2009-04-19, 11:32 AM
Hàn Mặc Tử lúc còn ở Quy Nhơn, trông khỏe mạnh hơn thời kỳ đi làm báo
Ai cũng biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong. Nhưng ngoài căn bệnh mà người ta cho rằng đã ảnh hưởng đến thơ của Tử, bật ra thành những lời gào thét uất hận, thì trong thơ Tử còn có những hình ảnh thật kỳ dị khó hiểu có thể liên quan đến một nguyên nhân khác. Chính người em ruột của Tử đã đặt vấn đề về một căn bệnh tâm thần mà Tử mắc phải. Có thể như thế được chăng?
Trong thơ Tử có những hình ảnh thật kỳ dị, đôi lúc ma quái rùng rợn. Đến nỗi Hoài Thanh đã phải công nhận là: "Chính như lời Hàn Mặc Tử nói trong bài Thơ điên, vườn thơ của người rộng thinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh".
Quả đúng như thế. Đọc thơ của chàng đôi lúc thấy sởn da gà: "Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ/Tiếng rú ban đêm rạng bóng mờ!/Tiếng rú lòng tôi xô vỡ sóng/Rung tầng không khí, bạt vi lô/Ai đi lẳng lặng trên làn nước/Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?/Mà sao ngậm cứng Thơ đầy miệng/Không nói không rằng nín cả hơi", "Lụa trời ai dệt với ai căng?/Ai thả chim bay đến Quảng Hằng?/Và ai gánh máu đi trên tuyết/Mảnh áo da cừu ngắm nở nang", "Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm/Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực/Cho hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức/Rồi bay lên cho tới một hành tinh/Cùng ngả nghiêng lăn lộn với muôn hình/Để gào thét một hơi cho rởn ốc".
Quách Tấn đã nghe Hàn Mặc Tử kể lại những câu chuyện liên quan đến các hình ảnh người gánh máu đi trên tuyết và người ngồi khít cạnh tôi như sau: "Đêm ấy - theo lời Tử kể - vì tiết sắp sang đông nên bãi biển không một bóng người qua lại, mặc dù trời không lạnh và trăng sáng như ban ngày. Đêm tạnh hết sức, tạnh đến nỗi nghe cả tiếng chiêm bao! Cảnh trời thật mênh mông bát ngát. Lòng tôi lại mênh mông bát ngát bằng hai... Thân tôi chìm trong không gian vô tận và hồn tôi chìm trong cõi lòng rộng vô biên. Tôi có một cảm giác ngờm ngợp... Chợt nhìn lên trời thấy bóng trăng đã đứng đầu, và nhìn bên cạnh thấy một bóng người ngồi sát. Liền đó từ trong bóng người ngồi cạnh tôi, bước ra một bóng người thứ hai, đi từ từ ra biển và bước lững thững trên mặt nước... Rồi hai bóng đều biến mất và mặt biển đông lại thành tuyết sáng ngời dưới bóng trăng khuya. Thoạt hiện ra một người, thân vóc nở nang, mình khoác chiếc áo lông, vai khoác hai thùng thiếc đựng đầy nước óng ánh. Người ấy bước đi thì nước trong thùng tung ra và hóa thành huyết đổ lã chã trên tuyết. Người gánh máu đi lần vào bờ... Tôi khiếp quá hét lên thành tiếng, vụt đứng dậy, chạy một mạch về nhà. Vừa đến nhà, mệt quá, té nằm trước thềm, ngút hơi... Từ ấy cảnh tượng kia ám ảnh tôi mãi...". Quách Tấn viết tiếp: "Tử lại nói: Cảnh tượng người gánh máu đi trên tuyết khi trông thấy thì rùng rợn hơn cảnh tượng người ngồi bên cạnh tôi. Song về sau mỗi lần nghĩ lại, cảnh tượng người ngồi bên cạnh lại gây một cảm giác rùng rợn hơn".
Đó là những trạng thái "xuất thần" mà hàng mấy chục năm, tất cả những người nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử không ai lý giải được nguyên nhân, kể cả Quách Tấn. Người ta chỉ cho rằng nó bật ra từ sự đau khổ nung nấu mà Tử phải gánh chịu mà thôi.

Người em kế của Tử, sau nhiều năm lặng lẽ chiêm nghiệm, đã công bố một kết luận vào năm 1991: "Trong quá trình chung sống bên anh, tôi ghi nhận anh có hiện tượng suy nhược tâm thần, bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi, chuyên khoa tâm lý sau này xác nhận là hiện tượng "névrose", một chứng rối loạn thần kinh nào đó, mà con người vẫn còn sáng suốt và rung cảm bén nhạy, vẫn làm chủ được trí óc mình".
Nguyễn Bá Tín cho biết, có một tai nạn đã xảy ra đối với Tử vào lúc nhỏ, có thể ảnh hưởng đến tâm thần chàng về sau. Đó là lúc chàng khoảng 17-18 tuổi, suýt bị chết đuối ở biển Quy Nhơn. Sau khi thoát chết, Tử trở nên hoảng loạn khác thường. Từ đó chàng bỏ luôn thói quen tắm biển, sợ nước, ít hoạt động, hình thể gầy nhỏ đi. Nhiều biểu hiện làm cho gia đình sợ rằng Tử bị tâm thần, nhưng sau đó thấy chàng bình thường, thậm chí còn tập làm thơ nên cũng quên đi nỗi lo lắng.
Tuy nhiên với Tử thì khác. Chàng quả quyết rằng trong cơn nguy biến đó, chàng đã được tận mắt thấy Đức Mẹ hiện ra. Đó là giây phút mà chàng run sợ đến ớn lạnh toàn thân. Sau này Tử đã sáng tác bài Ave Maria: "Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế/Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ/Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ". Chi tiết này càng củng cố cho nhận định của Nguyễn Bá Tín là đúng.
(còn tiếp)
Trần Đình Thu

Category: CLB HDV 3V | Added by: phuocdeptrai
Views: 422 | Downloads: 0 | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Tìm kiếm
Trang Ucoz
Số liệu thống kê

Trang web được thiết kế bởi CLB HDV 3V © 2024
Create a free website with uCoz